HÔI MIỆNG LÀ GÌ?
Hôi miệng là một vấn đề thường gặp, ảnh hưởng nhiều trong việc giao tiếp. Có nhiều nguyên nhân gây ra hôi miệng, phần lớn là nguyên nhân tại miệng, một số khác là do các bệnh nội khoa khác gây ra.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA HÔI MIỆNG
- Khi thức ăn đọng lại trong miệng, vi khuẩn phân hủy thức ăn tạo ra mùi hôi.
- Mảng bám răng, vôi răng, viêm nướu, viêm nha chu.
- Răng có lỗ sâu.
- Bựa thức ăn đóng ở lưỡi.
- Khô miệng do sự suy giảm tiết nước bọt.
- Hút thuốc lá, uống thức uống có cồn.
- Ăn một số loại thực phẩm có mùi nồng như hành tỏi, thực phẩm có nhiều chất đạm hay chất béo cũng gây ra tình trạng hôi miệng. Nguyên nhân là sau khi được tiêu hóa, những chất có mùi sẽ vào máu, sau đó đến phổi và theo đường mũi họng gây ra hôi miệng.
- Một số bệnh lý nội khoa cũng gây ra tình trạng hôi miệng như viêm xoang, viêm mũi họng, tiểu đường, xơ gan, suy thận, tình trạng ợ chua ợ hơi trong bệnh dạ dày, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, hay các bệnh về phổi như viêm phổi, ung thư phổi, và một số bệnh lý khác.
Điều này giải thích vì sao một số người dù chải răng rất kỹ nhưng vẫn có cảm giác hôi miệng.
PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ
Nguyên nhân thông thường của hôi miệng là từ miệng, do đó việc giữ vệ sinh răng miệng là điều cần thiết:
- Sử dụng nước súc miệng để làm giảm hôi miệng tạm thời. Ngậm và súc miệng với nước súc miệng trong 30 giây để duy trì mùi dễ chịu cho hơi thở.
- Sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng. Lưu ý: vệ sinh cả phần nước, lưỡi và vòm họng.
- Nếu bạn đang mang răng giả, cầu răng tháo lắp hay các dụng cụ chỉnh nha thì lưu ý vệ sinh theo đúng chỉ dẫn từ nha sĩ.
- Uống nước nhiều lần trong ngày cho không bị khô miệng. Vệ sinh răng miệng đúng cách làm giảm đáng kể tình trạng hôi miệng.
Tránh hút thuốc lá và các loại thực phẩm gây mùi hôi ở miệng, ăn nhiều rau quả, ăn hạn chế chất béo và chất đạm.
Khám răng định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh về răng miệng. Một số trường hợp răng sâu, răng có lỗ dò mủ nhưng bệnh nhân hoàn toàn không biết cho đến khi bác sĩ thăm khám, kết hợp với chụp film X Quang mới phát hiện và điều trị.
Trong trường hợp không còn các vấn đề về răng miệng nhưng vẫn có cảm giác hôi miệng, cần thăm khám sức khỏe toàn diện để phát hiện các bệnh lý khác.
KẾT LUẬN
Mặc dù vệ sinh răng miệng có thể làm cải thiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối nhưng điều quan trọng bạn cần lưu ý là các nguyên nhân trên cần phải được lên kế hoạch điều trị toàn diện để loại bỏ hoàn toàn chứng hôi miệng. Vì vậy bạn nên đến nha sĩ để tìm ra tình trạng bệnh lý gây hôi miệng tiềm ẩn, từ đó có được phương pháp điều trị thích hợp cả bệnh nền và chứng hôi miệng khó chịu nhé!