Đau răng – nguyên nhân và giải pháp

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau răng, đau có thể xảy ra âm ỉ nhưng cũng có thể đau nhức dữ dội. Các nguyên nhân thường gặp như sau:

dau rang nguyen nhan
Nguyên nhân dẫn đến đau răng

1/ Đau răng – Nguyên nhân do sâu răng

Sâu răng là nguyên nhân thường gặp. Khi lỗ sâu nhỏ, đau xảy ra khi ăn nhai hoặc khi uống nước nóng hay lạnh. Khi lỗ sâu lớn làm viêm tủy hoặc hoại tử tủy, đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào và mức độ đau cũng dữ dội hơn. Trường hợp sâu răng gây ra nhiễm trùng ở chóp chân răng, trong đợt viêm cấp tính gây ra đau nhức kèm theo có thể sưng ở mặt.
Giải pháp trong trường hợp này là chữa trị cho răng bị sâu. Răng có lỗ sâu nhỏ được trám lại bằng vật liệu trám răng. Trường hợp viêm tủy, hoại tử tủy, hoặc răng bị nhiễm trùng quanh chóp mức độ nhẹ, khi đó cần phải chữa tủy răng trước khi răng được trám lại. Những răng nhiễm trùng nặng cần phải nhổ bỏ.

2/ Bệnh của nướu răng và các mô quanh răng.

Đây cũng là nguyên nhân thường gặp. Triệu chứng là nướu dễ bị chảy máu, có khi nướu bị tụt xuống làm lộ phần chân răng, răng có thể bị lung lay do sự tiêu xương ổ. Đau xảy ra âm ỉ và sức nhai bị giảm.
Điều trị bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như là làm sạch vôi răng và mảng bám. Trường hợp có túi nha chu cần phải nạo sạch túi nha chu và làm sạch bề mặt chân răng. Đôi khi phải phối hợp với thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn. Trường hợp nặng khi răng bị lung lay nhiều do tiêu nhiều xương ổ răng thì răng cần phải nhổ.

3/ Mòn cổ răng

Ở những người chải răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải quá cứng hoặc đánh răng không đúng cách thường xảy ra hiện tượng mòn ở phần răng sát với nướu răng, trong chẩn đoán được gọi là mòn ngót cổ răng. Lớp men bị mòn làm bộc lộ lớp ngà, gây ra tình trạng ê buốt khi chải răng hoặc khi ăn uống.
Các răng mòn ngót được trám lại để chấm dứt triệu chứng ê buốt. Trường hợp răng bị mòn quá sâu , gần đến tủy răng làm kích thích tủy, cần phải chữa tủy răng.

4/ Răng bị tét hoặc bị nứt

Răng có thể bị tét hoặc bị nứt sau khi cắn phải thức ăn quá cứng. Triệu chứng là rất đau khi chạm vào răng. Tùy theo mức độ của sự nứt mà răng có thể được chữa tủy rồi bọc mão lại hay là phải nhổ răng.

5/ Sự mọc răng

Các răng phía sau khi mọc, đặc biệt là răng khôn hàm dưới, có thể gây đau nhức do các mô quanh đó bị viêm và sưng. Sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau trong những trường hợp này. Đối với các răng bị mọc kẹt, thường xảy ra với răng khôn, nên phẫu thuật nhổ bỏ.

6/ Loạn năng khớp thái dương hàm

Một số người do sự sai khớp cắn hoặc do thói quen ăn nhai chỉ một bên hàm sẽ gây ra hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm. Triệu chứng há miệng bị hạn chế, đau khi há miệng và có tiếng kêu lạo xạo ở khớp thái dương hàm.
Việc điều trị cho chứng loạn năng khớp thái dương hàm bao gồm việc điều chỉnh lại khớp cắn, sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau và thuốc dãn cơ, đeo máng nhai hàng ngày để giúp cân bằng lại hệ thống nhai.
( Máng nhai là khí cụ được đặt giữa hai cung răng, thường làm bằng nhựa trong suốt và có thể tháo lắp được. Máng nhai có tác dụng làm dãn cơ, giảm đau, hết mỏi cơ, giúp làm giảm áp lực lên khớp thái dương hàm.)

Đội ngũ bác sĩ nha khoa bệnh viện răng hàm mặt và thẩm mỹ World Wide

 

 

iconzalochat