Viêm nhiễm vùng hàm mặt là dạng bệnh lý thường gặp, do nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân do răng là chính yếu gây ra các nhiễm trùng vùng hàm mặt, đa dạng về loại vi khuẩn, kị khí, ái khí, gram âm, gram dương, nguy hiểm nhất là tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh.
Viêm nhiễm vùng hàm mặt đôi khi trở nên rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời vì các biến chứng rất nặng nề như:
- Viêm tấy lan tỏa sàn miệng gây ngạt thở
- Nhiễm trùng trung thất
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm não- màng não do nhiễm trùng lan lên nền sọ
Các biến chứng nặng của viêm nhiễm hàm mặt có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy dự phòng tốt, điều trị sớm, tích cực là nguyên tắc chung của điều trị dạng bệnh lý này.
Nguyên nhân của viêm nhiễm vùng hàm mặt:
1. Do răng và mô nha chu: là nguyên nhân chính (chiếm 90%)
- Biến chứng mọc răng đặc biệt là răng khôn mọc lệch, kẹt, ngầm gây ứ đọng thức ăn và vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng
- Sâu răng không được điều trị gây nên viêm tủy, viêm quanh chóp. Môi trường tủy hoại tử là nơi sinh sôi phát triển cho vi khuẩn.
- Vi khuẩn trong túi nha chu lan ra tổ chức nướu xung quanh hoặc lan xuống chóp gây nhiễm trùng nội nha- nha chu.
2. Không do răng
- Chấn thương vùng hàm mặt: ổ gãy hở xương hàm hoặc đường gãy đi qua răng nhiễm khuẩn, vết thương phần mềm bị bội nhiễm,…
- Viêm tuyến nước bọt, sỏi ống tuyến nước bọt bị nhiễm khuẩn.
- Qua da : qua nang lông, tuyến bã,…
- Qua đường máu: vi khuẩn có thể đi theo đường máu tới khu trú ở xương hàm nhất là xương hàm trên gây viêm tuỷ xương.
Bệnh cảnh lâm sàng của viêm nhiễm vùng hàm mặt:
Tùy vào mức độ viêm và vị trí ổ nhiễm trùng, mức độ lan tỏa, viêm nhiễm vùng hàm mặt có thể biểu hiện nhiều thể lâm sàng khác nhau, một số triệu chứng thường gặp:
1. Triệu chứng toàn thân:
- Sốt, tổng trạng mệt mỏi, li bì, mất ngủ, da xanh tái, dấu hiệu màng não (+) rối loạn ý thức khi có viêm não, màng não
- Rối loạn chức năng ăn, nhai, nuốt chủ yếu do đau, sưng nề cản trở các cơ quan vận động
- Rối loạn hô hấp: khó thở do chèn ép gặp trong các trường hợp viêm tấy lan tỏa sàn miệng, thành họng, vùng dưới hàm…
- Rối loạn thị giác: giảm thị lực, song thị trong trường hợp có chèn ép nhãn cầu
- Bach cầu tăng, nhất là bạch đầu đa nhân trung tính.
2. Triệu chứng tại chỗ:
- Sưng nề gây biến dạng mặt, khó mở mắt, da phủ căng bóng đỏ, có thể hơi tím hoặc trắng đục.
- Đau khi ấn vào vị trí sưng nề, khi đã hình thành ổ áp xe thì mức độ đau giảm, sờ phập phều
- Há miệng hạn chế, hạn chế vận động lưỡi, lưỡi bị đẩy lệch.
- Răng nguyên nhân biểu hiện lung lay, chết tủy hoặc gõ đau
Nguyên tắc điều trị
1. Nguyên tắc chung:
- Đánh giá đúng mức độ trầm trọng
- Đánh giá tổng trạng, bệnh toàn thân, khả năng đề kháng của bệnh nhân
- Xác định nguyên nhân nhiễm trùng
- Loại bỏ nguyên nhân, rạch dẫn lưu ngay khi có thể
- Hỗ trợ nâng cao tổng trạng
- Lựa chọn chỉ định kháng sinh thích hợp
2. Điều trị tại chỗ:
- Xử lí răng nguyên nhân: mở tủy dẫn lưu mủ qua ống tủy hoặc nhổ răng nguyên nhân (thường nhổ sau khi điều trị thuốc uống 1-2 ngày)
- Rạch dẫn lưu mủ: rạch trong miệng hay ngoài mặt tùy vị trí ổ mủ.
- Trong trường hợp viêm mô tế bào lan tỏa sàn miệng gây tắc nghẽn hô hấp có thể phải đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
3. Điều trị toàn thân:
- Kháng sinh, kháng viêm.
- Nâng cao tổng trạng
4. Dự phòng:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Khám định kì mỗi 6 tháng và điều trị sớm các sang thương sâu răng, nha chu.
Bệnh cảnh lâm sàng có thể nhẹ, nên việc chẩn đoán và điều trị đơn giản. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chẩn đoán khó và điều trị phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.
Liên hệ: BỆNH VIỆN RHM – PTTM KTC WORLDWID
Xem thêm: